top of page

[Trung Quốc #1] Chuẩn bị gì để du lịch Trung Quốc



Lạc lối giữa mùa thu vàng ở Trung Quốc

Mình đã từng bỏ lỡ nhiều dịp du lịch vào mùa thu, đặc biệt là các địa điểm ở châu âu khi lá vàng lá đỏ bắt đầu chuyển sắc. Từ đợt đi Plitvice đến Hallstatt, ngắm nhìn những bức ảnh trên Insta về mùa thu mà thấy xao lòng. Vậy nên đã tự hứa sẽ bù lại với các địa điểm ở châu Á, sẽ cố gắng plan đúng thời điểm để ngắm lá thu 🍂💕


Nói qua một chút về các chi phí chính và quá trình chuẩn bị cho chuyến đi này.

1. Phương tiện di chuyển

Mình bay khứ hồi Hà Nội - Thượng Hải, và di chuyển từ Thượng Hải sang các thành phố khác bằng tàu cao tốc, tàu maglev (vào trung tâm), ngoài ra còn có ô tô hoặc xe buýt.

1.1. Vé bay (Hà Nội-Thượng Hải)

Ngay khi VNA có chương trình thu vàng giảm giá vé, lần đầu tiên mình thấy vé giảm xuống dưới 10 triệu khứ hồi. Thường thì từ Hà Nội sang các thành phố của Trung Quốc, tuy khoảng cách gần nhưng vé bay thường đắt hơn hầu hết các nước khác ở châu Á. Vậy nên lần này không chần chừ mà đặt vé sớm luôn, tính ra chưa đến 8 triệu, một mức giá khá hợp lý. Về hãng bay thì hình như Vietjet cũng có đường bay này, nhưng vì giá same same với mức sale của VNA, mà đi VNA thì chắc chắn ổn hơn nhiều, không sợ delay, được tích dặm, lại còn có lounge ngồi nghỉ ăn sáng, sạc pin điện thoại, và suất ăn trên máy bay cũng ngon nữa.




1.2. Tàu Maglev

Sau khi bay đến sân bay Phố Đông, mình có thể về trung tâm thành phố qua Metro Line 2 và tàu Maglev Thượng Hải. Nhưng vì chắc sẽ chỉ có dịp này để đi thử loại tàu siêu nhanh này, cũng như vali khá cồng kềnh không thích hợp chen chúc ở subway, nên mình chọn di chuyển bằng tàu maglev, giá 50 tệ (165k). Vé có thể mua tại quầy luôn, không cần mua trước.


* Maglev là loại tàu điện sử dụng từ trường để lơ lửng trên đường ray và phóng đi với vận tốc trên 500 km/h. Nam châm điện được đặt dọc đường ray và bên trong thân tàu để đẩy con tàu lao về phía trước. Hiện nay, Shanghai Maglev Train là tàu thương mại nhanh nhất thế giới, với vận tốc tối đa lên tới 430 km/h. Đây là tuyến đường nối sân bay quốc tế Pudong và vùng ngoại ô của Thượng Hải. Để chạy hết quãng đường dài 30,5 km, Maglev chỉ mất 8 phút di chuyển.


1.3. Tàu cao tốc (Thượng Hải-Bắc Kinh)

Để di chuyển giữa Thượng Hải - Bắc Kinh, bạn có thể đi bằng máy bay hoặc tàu. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí thì đi bằng tàu cao tốc cũng không quá tệ, thời gian 4-5h để tới nơi cũng ổn, vì mình có thể ngủ bù thêm. Mình chọn chuyến sáng sớm để tiết kiệm thời gian. Mặc dù vậy, mức giá cũng vẫn khá "chát", 558 tệ = gần 2 triệu/chiều, cộng thêm 30 tệ (100k) phí xuất vé mỗi chiều qua booking website. Kinh nghiệm từ một số bạn đi trước thì vẫn nên mua vé và đổi vé trước ngày đi, để tránh tình trạng hết vé giờ đẹp cũng như không phải xếp hàng dài mua vé tại ga. Nhìn chung, chất lượng và dịch vụ cũng tương đương với mức giá. Ghế ngồi mềm, tàu chạy êm và có thể mua đồ ăn nóng trên tàu.



1.4. Xe buýt ( Bắc Kinh- Vạn Lý Trường Thành)

Đây là phương tiện phổ biến nhất để di chuyển giữa 2 địa điểm này. Chỉ 12 tệ/chiều (40k), không có quầy vé bus nên chỉ có thể mua khi lên xe (nhớ chuẩn bị sẵn tiền lẻ) và có nhiều chuyến liên tục, giờ giấc thoải mái, nên không phải dậy quá sớm. Điều chú ý duy nhất đó là một số tuyến xe buýt sẽ được kí hiệu số kèm chữ tiếng Trung. Ví dụ tuyến mình đến Mutianyu Great Wall là 916 Express (916快), mà bến lại dừng cho cả tuyến 916 East (916东) thì phải cần nhìn kĩ kí hiệu tiếng Trung sau số 916. Nếu không biết tiếng Trung thì nên download trước các app dịch qua nhận diện ảnh trong máy.


2. Visa du lịch

Nếu đi theo tour thì visa sẽ rẻ hơn nhiều, cũng như quá trình chuẩn bị đỡ vất vả hơn. Còn mình đi tự túc nên cách nhanh và chắc cốp nhất là làm visa dịch vụ, chi phí 80 USD. Cách này vừa đỡ mất công tự chuẩn bị hồ sơ, vừa tiết kiệm thời gian xếp hàng làm thủ tục tại ĐSQ, vừa tăng khả năng đậu visa là cao nhất cũng như lấy visa nhanh chóng chỉ sau 1 tuần. Hồ sơ nhìn chung bao gồm:

- Hộ chiếu bản chính (còn giá trị ít nhất 6 tháng). - 02 ảnh 4×6

- CMND photo - Tờ khai theo mẫu của Đại sứ quán - Giấy xác nhận công việc

* Đối với xin dịch vụ thì chỉ cần nộp 3 mục đầu. Nếu hộ chiếu trắng thì phí dịch vụ sẽ cao hơn.

3. Khách sạn

Vì mình có chuyến đi dài ngày, và đan xen đi và về: Thượng Hải - Bắc Kinh - Thượng Hải, mình có thể tách ở 2 khu khác nhau trong 4 ngày ở Thượng Hải. Tiêu chí chọn vẫn sẽ là gần các địa điểm nổi tiếng, ví dụ sông Hoàng Phố, khu phố đi bộ Nam Kinh hay khu Tân Thiên Địa... tùy sở thích, thêm nữa là được gửi đồ miễn phí sau khi checkout... Chi phí ở những khu trung tâm đương nhiên là sẽ cao, và nhìn chung các khách sạn đều có mức giá như vậy, nên cũng không cần cân nhắc, so sánh quá nhiều. Cứ ổn là book thôi ^^ Các bạn có thể check khu vực mình khoanh đỏ hoặc xung quanh đó.


Và nhớ book xong thì cần lưu kĩ địa chỉ bằng tiếng Trung vào điện thoại, hoặc phóng to in ra giấy, vì lái xe taxi bên họ 101% không biết nói tiếng Anh, và kể cả mình có đọc được Pinyin thì họ cũng không hợp tác cho lắm và sẽ gắt gỏng lên :((( tốt nhất là đưa cho họ sẵn tất cả bằng tiếng Trung, có kèm số điện thoại khách sạn, vì 1 số trường hợp lái taxi tuy có app đó nhưng cũng ko rõ lối rẽ hoặc ngõ ngách.

Dưới đây là các khách sạn mình đã ở và highly recommend về cả giá cả lẫn địa điểm:

1) Thượng Hải: Shanghai Baron Business Bund Hotel 上海, 黄浦区, 福州路105-1号 (chỉ mất 3p đi bộ ra sông Hoàng Phố, tháp Đông Phương Minh Châu, 8p ra phố đi bộ Nam Kinh, Quảng trường Nhân dân)

2) Bắc Kinh: Citytel Inn 地址:南河沿大街C、D座,长安街向南河沿大街北行100米电话 (chỉ mất 3p đi bộ ra subway bến Wangfujing, tầm 8p đi bộ ra Thiên An Môn, Tử Cấm Thành)

4. Sim điện thoại

Các bạn có thể mua sim trước tại Việt Nam (mình mua sim quốc tế, giá 350k, có sẵn 20 USD trong sim, dùng ở nước nào cũng được, và không bị chặn facebook/insta/google nên ko cần down VPN). Tuy nhiên, sim này lại hoạt động 3G rất thiếu ổn định, đặc biệt với các app Trung Quốc như Baidu Map. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là nên sang bên đó mua sim, và mua ngay tại sân bay nếu có thể. Lý do là nếu mua ở nội thành, với 1 số hãng sim, họ yêu cầu bạn phải có ID của Trung Quốc, và không chấp nhận bán sim cho người nước ngoài, kể cả mình có hộ chiếu. Và nếu có hãng có, thì thủ tục đăng ký cũng khá rưởm rà. Vì vậy, chịu đắt một chút mua sim ở sân bay sẽ chắc cốp hơn.

5. Đổi tiền mặt

Các bạn có thể đổi tầm 2500-3000 tệ (tầm 8tr5) cho 1 tuần dư dả (khi bạn đã thanh toán hết các loại phí trả trước lớn như khách sạn, vé tàu). Đừng lo là bên đó hiện đại quá mà không nhận tiền mặt. Các nơi từ bình dân đến hiện đại vẫn chấp nhận cả hai phương thức thanh toán. Vì là người nước ngoài và không thông thạo sử dụng Wechat Pay hay QR code nên việc chuẩn bị đủ tiền mặt là rất quan trọng. Và nhớ là taxi chỉ nhận tiền mặt nên cần tính không shopping mạnh tay quá mà giữ lại vừa đủ tiền để đi taxi những ngày cuối, và đi ra sân bay. Bên cạnh tiền mặt vẫn nên chuẩn bị 1 thẻ tín dụng để phòng.


6. Bảo hiểm du lịch

Chia sẻ một chút là ngay trước khi mình đi 1 tuần, mình bị sốt xuất huyết khá nặng và tưởng chừng phải hủy cả chuyến đi vì không đảm bảo sức khỏe. Mình cũng hơi lo nên có liên hệ mua bảo hiểm tầm 400k, chi trả nếu mình nhập viện, thậm chí bảo hiểm cả tai nạn/cướp giật, ... Thời điểm đó bảo hiểm chưa phổ biến nên hơi khó mua và giá cao. Còn hiện tại có thể dễ dàng mua bảo hiểm khi đặt vé bay, mua trên Momo hoặc được kèm sẵn khi sở hữu thẻ tín dụng tại một số ngân hàng có chương trình bảo hiểm du lịch.


30 views0 comments
bottom of page