top of page

[Singapore #7] Trải nghiệm Singapore City Gallery

Singapore City Gallery (miễn phí vào cửa và điều hòa luôn mát rượi hehe)

Address: 45 Maxwell Rd, 069118 | MRT: Tanjong Pagar (EW15)

Save to Google Maps | Free guided tour: website

Keywords: city-state, urban planning




Mọi người thường háo hức đến Sing đi chơi Universal nhưng mà mình thì chỉ ghim mấy mấy chỗ như thế này thôi :)) Mình có sở thích riêng từ hồi nhỏ là thích ngắm sa bàn và chơi mấy game về xây dựng nhà cửa, thành phố. Ở đây có tất cả những gì mình cần luôn hehe, có hẳn cái sa bàn khổng lồ nhưng cực kì chi tiết, có role-play game và hệ interactive LED để tương tác với mô hình ảo của thành phố.


Bonus chút là thời điểm mình đi không thấy người Việt nào, toàn là người Tây lớn tuổi, nên mình đoán chắc mọi người thích sang Sing mua sắm ăn uống hơn là đi bảo tàng hay gallery. Cơ mà gallery đi mới thấy nhiều cái hay lắm, trẻ con cho đi cùng cũng hợp.


Tổng quan mình đã dành 3h tại đây, trong đó 2h tự tham quan và 1h tham quan dưới sự hướng dẫn của guider trong free guided tour. Guider là một bạn trẻ, thuộc nhóm tình nguyện viên của bảo tàng. Bạn ý có nhiều hiểu biết về Singapore và có thể sẵn sàng giải đáp các thắc mắc về đất nước này. Mình thấy chuyến đi nào mà có chút insights của người local vào là sẽ rất thú vị và đáng nhớ, vì họ có nhiều cái fact hay ho lắm. Người Sing nói tiếng Anh đa phần hơi khó nghe, nhưng bạn này nói khá rõ, dễ hiểu.




1. City-state là gì?

Nói một cách đơn giản, thành phố-nhà nước là một quốc gia độc lập tồn tại hoàn toàn trong biên giới của một thành phố duy nhất. Monaco, Singapore và Vatican là 3 city-state trên thế giới.


Hiếm có nơi nào trên thế giới có thể chuyển mình từ một thương cảng khiêm tốn trở thành một siêu đô thị phát triển hàng đầu thế giới như Singapore chỉ trong vỏn vẹn năm thập kỷ. Quá trình phát triển chóng mặt của Singapore đi cùng với những tòa nhà chọc trời và các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng mọc lên, kèm theo rất nhiều thách thức và nỗ lực trong công tác quy hoạch được chia thành các khu trưng bày nghe nhìn tương tác riêng biệt trải dài trên ba tầng.




2. Gallery có gì hay?

2.1. Mô hình thành phố

Ở chính giữa tầng 1 là mô hình thành phố gắn đèn led phục vụ cho trình chiếu. Show sẽ được phát tầm 15p-30p 1 lần (mình ko nhớ rõ), kéo dài tầm 3p. Điểm hay ở đây là với mỗi chủ đề đang được chiếu, hệ đèn led sẽ minh họa chính xác vị trí / diện tích / đường đi, ... liên quan đến chủ đề đó. Ví dụ nếu nói đến hệ thống giao thông công cộng MRT, đèn led sẽ chạy theo bản đồ MRT thực tế. Hoặc nói đến chủ đề rừng và bảo tồn thiên nhiên, đèn led sẽ hiện màu xanh ở các khu công viên và rừng quốc gia. Hoặc khi giới thiệu các khu vực ở Sing, đèn led sẽ highlight khu vực đó để khán giả mường tượng dễ hơn. Nhìn chung, show mang đến cái nhìn toàn cảnh của thành phố một cách sống động cùng với âm thanh và ánh sáng, hòa mình vào thành phố với góc nhìn cực rộng, khắc họa Singapore trên nhiều khía cạnh: Nature, Housing, Water, MRT, Heritage, Culture, Conservation,... Ngoài ra là các khu trưng bày nhỏ về lịch sử hình thành Singapore qua các giai đoạn, mô hình dự trữ nước mưa, mô hình ẩm thực của Sing,... Dưới đây là video mình ghi lại show này nhé



Ngoài ra, trên tầng 2 cũng có mô hình sa bàn chi tiết về khu vực trung tâm thành phố. Từng tòa nhà được dựng rất tỉ mỉ công phu. Các tòa nhà nổi tiếng đều có mặt.


2.2. Trò chơi tương tác

Ở cả 3 tầng đều có những khu tương tác công nghệ, có thể là mô hình led, có thể là trò chơi 1 người / 2 người thi đấu. Với đưa mê game về xây dựng nhà cửa với thành phố như mình thì mình mãi không dứt ra được =)) Một số game hay ho mà mình ấn tượng và nhớ tới giờ:

- Game Create Marina Bay's Skyline: Nhiệm vụ sắp xếp các tòa nhà văn phòng, HDB, Condom, công viên, điểm du lịch, bể bơi, sân vận động, bệnh viện, trường học,... có sẵn của Singapore vào vị trí phù hợp tại khu Marina Bay hiện tại.



Mình đã xếp cho người dân ở các tòa nhà có đầy đủ tiện ích xung quanh, và xếp sao cho các điểm tham quan gần sát nhau để tiện cho khách du lịch đi 1 vòng đỡ bị mỏi chân hehe =)))

- Game The Touchstone of Planning: Với 5 chủ đề chính, đưa ra trực quan về thách thức và thực trạng mà Singapore gặp phải. Mình thấy phần Natural Heritage (thách thức về cân đối 3 khu vực: đất ở (home), đất văn phòng/đồ thi (office/city) và đất tự nhiên (forest/park) và Physical Size & Population (so sánh diện tích Singapore với các thành phố lớn trên thế giới) khá hay



- Game Build Your Future Neighborhood: Nhiệm vụ lựa chọn các tiêu chí mình muốn đưa vào trong thành phố tương lai của mình, ví dụ nếu là người thích công nghệ và muốn thành phố của mình tech-savvy thì chọn Travel Smart (Auto rider (xe điện ko ng lái, cái này có thật nha, ở GBTB, chạy tầm 25 km/h, có điều hòa, trên trần bằng kính để ngắm cảnh, mua vé tại chỗ cũng đc hoặc Klook, 3 đô 1 chiều 5 đô 2 chiều, có bảng tablet để scan gọi xe đến, tiếc là lúc đi mình ko có thời gian thử và cũng ko thấy cái auto rider nào); Delivery On-Demand (máy vận chuyển hàng tự động, giống cái máy của Amazon bay bay xong xác định được vị trí cần chuyển hàng để đưa hàng trước cửa nhà).



- Game Let's Go Car Lite: Có các câu hỏi về giao thông công cộng và mình chọn phương án phù hợp.


3. Kiến thức từ chuyến tham quan

3.1. Giải pháp về nguồn nước



Guider có nhắc đến việc nguồn nước ngọt ở Singapore từng chủ yếu là nước đi mua từ Malaysia. Singapore theo mình biết là một quốc đảo không có nhiều tài nguyên thiên nhiên và trong đó có nguồn nước ngọt. Theo thông tin mình tìm hiểu thêm, năm 1961, Singapore ký 2 hiệp ước song phương với Malaysia về mua bán nước ngọt chưa qua xử lý, theo cơ chế mua nước thô đổi nước sạch. Hai hiệp ước này lần lượt hết hiệu lực vào năm 2019 và năm 2061. Năm 2019 vừa qua, Singapore đã đủ tự tin để không phải ký lại hiệp ước mua nước ngọt vừa hết hiệu lực, vì họ đã tìm được đáp án cho bài toán khó nhất của mình. Guider bảo rằng nước họ không thể cứ mãi đi mua nước được, đó không phải là sustainable solution. Họ đã có thêm 3 nguồn nước rất quan trọng khác là: nước tinh khiết lọc từ nước thải, nước thu từ thiên nhiên và nước lọc từ nước biển.

- Nước tinh khiết lọc từ nước thải (Newater) (chiếm 30% lượng nước ở Sing): Thành công nhất chính là công nghệ xử lý nước thải thành nước tinh khiết. Tháng 5 năm 2010, Singapore đã khánh thành nhà máy lọc nước với công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhất thế giới, có thể lọc được tất cả các loại nước thải, kể cả nước từ nhà vệ sinh, thành nước sạch tinh khiết. Công nghệ đã giúp Singapore biến điểm yếu của mình thành cơ hội, giúp nước này thu được những khoản tiền không nhỏ từ việc xuất khẩu kỹ thuật tái chế nước thải. Nước tinh khiết lọc từ nước thải có thể uống trực tiếp, sạch đến mức người Singapore phải bơm lên các đồi cây cho lọc tự nhiên để bổ sung thêm khoáng chất.

- Nước thu từ thiên nhiên (chiếm 50% lượng nước ở Sing): Nếu có dịp ghé qua Marina Bay Sands và tìm hiểu về nó, mọi người sẽ thấy có địa điểm đập Marina (Marina Barrage) ở cửa phía nam sông Singapore, là một hồ chứa rộng 10.000 ha, tương đương 1/7 diện tích của quốc đảo này.

- Nước lọc từ nước biển (chiếm 10% lượng nước ở Sing): Sự thay đổi khí hậu làm cho các nguồn nước tự nhiên trở nên không đáng tin cậy nên Singapore mở rộng phát triển các dự án khử muối từ nước biển. Ở Sing cũng nổi tiếng với các vòi nước công cộng (giống tap water ở UK, có thể uống trực tiếp từ vòi).

Còn lại chắc là nước lọc lấy từ nước mưa. Singapore thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa. Đến nay, họ đã thành công thu thập nước mưa từ hơn 65% diện tích đất đai.


3.2. Giải pháp nhà ở

Singapore là một quốc gia phát triển với những chính sách ưu việt về nhà ở. Singapore có tỷ lệ sở hữu nhà ở rất cao, đến 90,5% dân số, trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới về tỷ lệ người dân được sở hữu nhà ở (sau Romania 96,6% và Lithuania 91,9%). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, không phải chỉ là tình trạng sở hữu nhà ở cao, mà tỷ lệ người dân được hưởng ưu đãi của hệ thống nhà ở xã hội của Chính phủ chiếm tỷ lệ đến 80%. Chắc hẳn nhiều người đã nghe về HDB, tập trung vào việc xây dựng căn hộ nhỏ hướng tới tiêu chí quan trọng nhất là “giá cả phải chăng” cho những người thu nhập trung bình. Một cái rất hay đó là HDB đang cung cấp khoảng 1 triệu căn hộ, phần lớn tập trung tại khoảng hơn 20 thị trấn mới nằm rải rác và tạo thành 1 hình bán nguyệt xung quanh vùng lõi của thành phố, giải quyết tốt bài toán nhà ở. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có 1 đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả nhà đều thuộc sở hữu của chính phủ và hợp đồng thuê là 99 năm. Để tránh việc đầu cơ, nhà HDB không được phép bán lại. Người sử dụng nhà HDB chỉ có thể trả lại nhà với giá gốc ban đầu, tính thêm 1 số chi phí khấu hao nếu muốn mua căn nhà khác.


3.3. Giải pháp mở rộng diện tích "Going Up, Going Underground"

"Going Up, Going Underground" là cụm từ mình nhớ nhất sau cả chuyến tham quan.

Vì lý do diện tích đất hạn hẹp, Singapore đã mở rộng bằng cách lấp biển mở đất. Từ 52 năm trước đến nay, Singapore đã tăng được diện tích đất thêm 1/4, từ 580 km2 lên 717 km2. Cả khách sạn Marina Bay Sands và khu Gardens by the Bay đều nằm trên phần đất có được nhờ lấp biển, chứng tỏ đất lấp biển hoàn toàn sử dụng tốt được. Đến năm 2030, Singapore plan mở rộng lên 776 km2. Trong master plan của Sing còn có dự án cải tạo đất để xây dựng siêu cảng Tuas nằm trên mặt nước (cảng Tuas là 1 trong các điểm mình đã plan đi ngắm hoàng hôn nhưng chưa đi được nên mình cũng hi vọng sau này quay lại sẽ thấy siêu cảng và nhiều hoạt động hơn ở đây). Mình tự hỏi họ có xây được nhà nổi nổi trên mặt nước (floating offices and water homes) hoặc cả cái Floating City như trên phim hay trên game không hehe, không nghe ai nhắc đến. Mình từng đọc về Hà Lan đã xây những thành công các công trình nhà nổi ở Amsterdam, nhưng là để giải quyết tình trạng lũ lụt khi nước dâng, chứ không phải giải quyết vấn đề thiếu đất ở.


Tiện đó mình cũng có hỏi guider rằng họ không thể lấp biển mãi, vì xung quanh họ là các nước láng giềng Malay, Indo,... và có thể ảnh hưởng đến vấn đề chính trị. Guider trả lời rằng điều đó đúng, họ không thể mở rộng chiều ngang mãi và họ đang chủ trương mở rộng chiều dọc, theo chính sách Going Up, Going Underground.

Going Up tức là mở rộng lên trên, xây các tòa nhà ngày càng cao hơn để nhiều người ở hơn, roof top sẽ tích hợp thành khu công viên cây xanh ; các tiện ích như mua sắm ăn uống offfice sẽ tích hợp ngay dưới tầng trệt / tầng hầm của mỗi tòa nhà và kết nối với MRT. Tất cả mọi thứ sẽ condense lại chỉ trong một tòa nhà.



Going Underground tức là mở rộng xuống dưới, xây nhiều các công trình ngầm hơn. Sẽ có các khu vực thí điểm, với các ý tưởng bao gồm trung tâm dữ liệu, nhà máy tiện ích, bến xe buýt, hệ thống thoát nước thải trong đường hầm sâu, kho bãi và hồ chứa nước, cho đi ngầm dưới đất hết, quá hay !! Nhà ở và văn phòng thì vẫn ở trên mặt đất. Phần lớn các dự án dưới lòng đất của Singapore sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp vì hầu hết người dân sẽ không sẵn lòng chuyển xuống sinh sống dưới lòng đất.

71 views0 comments
bottom of page