[China #8] Cảm nhận Tân Cương đẹp như thước phim "My Altay"
- Mai Bùi
- Jul 12, 2024
- 7 min read
[我的阿勒泰 - TO THE WONDER - A LẠP THÁI CỦA TÔI]
Trong chuyến đi ngắn ngày tại Tế Nam sau khi trải nghiệm Tân Cương, mình tình cờ vào một hiệu sách và thấy bày bán cuốn sách (đã được chuyển thể thành phim) là 我的阿勒泰 - Altay của tôi (A Lạp Thái của tôi) - To the Wonder. Ấn tượng đầu tiên của mình lúc đó là sao cảnh trên bìa sách nhìn giống giống Tân Cương nhỉ, và chữ Altay cũng nghe quen quá, có phải là tên tỉnh mình đã đi qua ở Bắc Tân Cương ko? Sau khi tìm hiểu, mình biết đến bộ phim cùng tên và quyết định khi nào về mình sẽ chắc chắn sẽ xem hết phim để cảm nhận một Tân Cương với phong cách du mục đầy tự do, phóng khoáng hơn, điều mà khi du lịch mình chưa thể cảm nhận hết.
“Altay của tôi” được quay ở Altay - phía Bắc Tân Cương, nơi có bạt ngàn thảo nguyên núi tuyết, vùng đất xa và khó để đến đấy. “Altay của tôi” dựa trên nội dung cuốn tản văn cùng tên của Lí Quyên. Mạch chính nội dung là cuộc sống mẹ con người Hán buôn bán tạp hoá, mẹ “Trương Phụng Hiệp” con gái “Lí Văn Tú”; chuyện tình giữa cô gái “Lí Văn Tú” với ước mơ làm nhà văn tại Bắc Kinh và chàng trai bản địa người Kazakh tên “Ba Thái”.

Là thước phim tuyên truyền vẻ đẹp của tự nhiên và con người ở Altay; là tình cảm chân thành lương thiện đơn thuần giữa người với người, giữa người với ngựa, cũng như giữa vạn vật với nhau. Mỗi một thước phim đều cho mình cảm giác bình yên và tự do, giống như mình đang được sống những ngày du mục lang thang giữa thảo nguyên hùng vĩ.
Mình đã đến những thảo nguyên và thung lũng rộng lớn ở Altay vào mùa hè tháng 6 chỉ cách đây 2 tuần, nên khi xem phim cảm xúc hỗn tạp giữa ký ức và khao khát. Ký ức là về những đàn ngựa chạy trên thảo nguyên sát đường chân trời, khao khát là mong được chính mình chạy hết sức mình trên đó, giống cảnh nhân vật Lí Văn Tú chạy trên cánh đồng hoa màu vàng và rồi chạy mệt ngủ thiếp đi tự lúc nào.
Những điểm thú vị về phim
Thảo nguyên nhìn đẹp, nhưng trong phim thì các diễn viên kể là dễ đạp phải phân bò, phân dê, phân ngựa lắm =))) Cái này là có thật nha, mình thấy những bãi phân siêu to khổng lồ rải rác như rải bom khắp lối đi ở khu vực gần Kanas nơi người dân chăn ngựa và bò rất nhiều. Một bạn đi cùng tour của mình bảo là người Trung Quốc họ coi việc dẫm phải phân ngựa là một điều may mắn, nên là cậu cứ thoải mái chạy nhảy đi. Không biết bạn nói có chuẩn không nữa, nhưng mà mình vẫn rất cẩn thận để không dẫm phải bãi phân nào, vì mình chỉ mang có duy nhất 1 đôi giày trắng lần này thôi =))) Về xem phim thì cũng có đoạn Văn Tú dẫm phải phân và kêu vận may sắp đến rồi.

Nhờ phim mà mình mới biết trong tiếng Kazakh, "tôi yêu người" cũng chính là "tôi nhìn rõ người". Bởi vì khi ta nhìn thấy ai đó, ta có thể nảy sinh tình bạn, hoặc tình yêu với người này. Bởi vì người ấy lọt vào tầm mắt của ta, ta mới có thể đem lòng yêu người ấy. Vì vậy, tôi yêu người cũng chính là tôi nhìn rõ người vậy.
“哈萨克文化里,人与人之间产生友情或者爱情,是由于被看见,所以在哈萨克语中,我喜欢你,意思是我清楚地看见你” Trong văn hoá người Kazakh, giữa người với người nảy sinh tình bạn tình yêu là vì được nhìn thấy, vậy nên trong tiếng Kazakh “tôi thích bạn” nghĩa là “tôi nhìn thấy bạn rất rõ”
Xem xong phim thấy nhẹ nhõm và tĩnh lại. Màu phim cực đẹp và thơ, thật vừa vặn để chữa lành. Mình cũng chưa tìm được nguồn dịch tiếng Việt chuẩn xác cũng như chưa có bản phát hình chính thức ở Việt Nam, đa số các bản dịch hơi buồn cười vì dịch sai đại từ nhân xưng giữa các nhân vật, và nội dung thì đều là dịch tự động, ko được tự nhiên lắm.

Ngoài khung cảnh rất nên thơ, nơi những thảo nguyên mênh mông trải dài tưởng như vô tận, cảnh bầy cừu chậm rãi uống nước, với những chiếc lều du mục lúp xúp đáng yêu, phim cũng cho người xem thấy những băn khoăn, trăn trở của chính những người dân ở A Lặc Thái. Họ vật lộn với cuộc sống du mục vốn không dễ dàng, lại phải thích nghi với cuộc sống thời đại hiện đại hoá, nhưng trong lòng luôn cố gìn giữ nét văn hoá và nếp sống du mục mà tổ tiên để lại.
“你看这个草原上的树呀草呀,有人吃有人用便叫有用,要是没人用它就这么呆在草原上也很好嘛” Con nhìn cây cỏ trên thảo nguyên này, có người ăn có người dùng thì gọi là hữu dụng, nếu không có người dùng thì nó ở trên thảo nguyên ung dung như thế càng tốt

Về cái tên, A Lạp Thái (Altay) là một địa khu thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương, cách Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) - thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương những 11 tiếng di chuyển bằng tàu. Phải nói là mình đặc biệt có cảm tình với phim, vì mình vốn hứng thú đặc biệt với cụm văn hoá du mục của các dân tộc tại khu vực Tân Cương, Mông Cổ, Trung Á, Liên Bang Nga,... Họ sống phiêu bạt dưới vòm trời rộng lớn, lấy thảo nguyên làm nhà, lấy ngựa làm bạn, hồn hậu, chất phác, cương nghị.

A Lạp Thái cũng là một vùng đất như thế, bối cảnh phim đặt vào đầu thập niên 2000, nữ chính trở về tìm mẹ và cửa hàng tạp hoá của gia đình mình - cửa hàng tạp hoá duy nhất trong cái thôn đầy gió và nắng ấy. Với dân cư đến 90% là dân tộc du mục, nữ chính và mẹ gặp không ít chuyện dở khóc dở cười khi hoà nhập với cuộc sống nơi đây. Và tại đây, nữ chính Lý Văn Tú đã gặp một chàng trai tên Ba Thái, thường gắn bó với bầy ngựa, mỗi khi anh ấy cưỡi ngựa, phong thái mạnh mẽ tựa như gió nơi thảo nguyên...

Nhân vật Tô Lực Thản - bố của Ba Thái buồn lòng vì thời đại đã khác, không được dùng súng săn thú, phải giao nộp súng cho cán bộ quản lý, vì thế mà hiểu lầm và giận người phụ nữ bán hàng ở tiệm tạp hoá vì tưởng bà đã mách với cán bộ chuyện ông lén giấu chiếc súng săn. Người con trai út Ba Thái thậm chí còn âm thầm giấu trong lòng tình cảm với người con gái yêu một thời gian dài, chỉ vì biết bố mình sẽ không bao giờ bằng lòng với cô dâu trong lòng anh, chỉ vì cho rằng người con gái anh yêu mơ ước một cuộc sống khác - nơi không có anh và thảo nguyên rộng lớn. Cứ thế, họ đều trăn trở và vật lộn với thời đại.
“马儿是我们哈萨克族最好的朋友,如果马儿死了,我们会怀念它,就把它的头切下来,挂在每天都能经过的地方,没有巫术,只有怀念” Ngựa là bạn thân của người Kazakh, nếu ngựa chết thì đầu ngựa sẽ được treo ở nơi mà mỗi ngày đều đi qua, không phải pháp thuật mà là hoài niệm.

Song song với những lát cắt cuộc sống du mục của những người dân ở A Lặc Thái, phim còn đưa khán giả nhìn sâu vào tâm tư, xúc cảm tinh tế của nữ chính Lý Văn Tú. Lý Văn Tú vụng về, nhút nhát, nhưng có năng khiếu thiên bẩm với văn học. Trở về từ phố thị, Lý Văn Tú tạm sống cùng mẹ là Trương Phương Hiệp - người phụ nữ dân tộc Hán mở cửa hàng tạp hoá ở A Lạp Thái cùng người bà mắc chứng Alzheimer. Tâm hồn giàu tình cảm của Văn Tú đã rung động trước mảnh đất khô cằn mà lúc đầu cô cằn nhằn với mẹ rằng một nơi chó ăn đá gà ăn sỏi như thế thì lấy gì mà làm ăn. Văn Tú tìm thấy cảm hứng cho những áng văn tại chính mảnh đất này. Ban đầu, vì cách trở ngôn ngữ và văn hoá mà Lý Văn Tú trong mắt những người dân nơi đây rất vụng về và ngốc nghếch, nhưng dần dần, cô càng ngày càng hoà nhập với họ, làm bạn với Thác Khải, Cổ Lan cùng những cư dân khác.

Trong trái tim của cô cũng từ lúc nào không hay mà nảy sinh cảm xúc đặc biệt với Ba Thái. Ba Thái là một chàng trai tự do như cơn gió trên thảo nguyên, mạnh mẽ và đôn hậu. Anh luôn bị kẹt ở giữa tình cảm, ước muốn cá nhân và sự kỳ vọng của bố. Ba Thái là một chàng trai dịu dàng, đối với chú ngựa Đạp Tuyết mắc chứng tâm lý, anh kiên nhẫn tìm cách chữa làm vết thương tâm lý của con vật. Chính sự dịu dàng của Ba Thái đã dần dần chiếm lấy tim của Lý Văn Tú. Ở chiều ngược lại, anh cũng không thể không rung động bởi cá tính mạnh mẽ ẩn sau vẻ ngoài đơn thuần của cô...

Thước phim Altay của mình
Phim có những góc quay khiến người xem muốn đến thăm A Lạp Thái ngay và luôn, màu phim đẹp và dịu mắt, khác hẳn với filter thường thấy của các phim truyền hình Trung Quốc. Nữ chính Châu Y Nhiên và nam chính Vu Thích có cách diễn rất nhẹ nhàng, tự nhiên, dễ chịu. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của các diễn viên có gốc dân tộc du mục nên thoại phim 70% là tiếng Kazakh, tạo cảm giác vô cùng chân thực.

Và mình lại mở lại những hình ảnh, thước phim nhỏ do chính mình quay lại trên dọc đường xe chạy trên Altay để một lần nữa cảm nhận về Tân Cương, về một A Lạp Thái đẹp như phim là có thật.

Comments